Cao Bằng: Ba điểm đến 'có một không hai' được kỳ vọng sẽ giúp du lịch Nguyên Bình phát triển mạnh
Bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng như làng du lịch cộng đồng Hoài Khao, nhà trình tường ở Thành Công, hang ong... huyện Nguyên Bình còn được biết đến với những điểm đến hết sức lý thú như rừng trúc, rừng thông rộng hàng chục hecta, đỉnh Phja Oắc thường xuất hiện băng tuyết...
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) không chỉ nổi tiếng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo mà còn sở hữu nhiều thắng cảnh thơ mộng, tuyệt mỹ.
Tuy nhiên, du lịch Nguyên Bình vẫn còn là cụm từ mới mẻ trong từ điển của du khách. Nhiều điểm đến mới của huyện đẹp, ấn tượng vẫn được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" và dường như vẫn chưa được "đánh thức".
Đáng chú ý, trong đó, rừng trúc Bản Phường rộng hàng chục hecta, rừng thông hai lá rộng hơn 100 hecta cùng với đỉnh Phja Oắc thường xuất hiện băng tuyết... là những điểm đến độc đáo được kỳ vọng sẽ giúp du lịch Nguyên Bình phát triển mạnh trong thời gian tới.
Rùng trúc xanh mướt rộng hàng chục hecta
Nằm ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, những cánh rừng trúc bản địa xanh ngút ngàn đã trở thành điểm du lịch mới, cho du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Trúc trồng ở tỉnh Cao Bằng thuộc họ trúc sào, thân cây cao, cứng và bền, sản xuất được nhiều mặt hàng gia dụng cũng như phục vụ cho xây dựng.
Để phát huy tiềm năng du lịch cảnh quan rừng trúc, được biết, năm 2021, huyện Nguyên Bình triển khai thực hiện Chương trình đột phá xây dựng điểm ngắm cảnh, trải nghiệm vườn trúc sào trong vùng Phja Oắc - Phja Đén. Địa điểm được lựa chọn là vườn trúc, vầu trên 30 ha (diện tích trúc là 20 ha, vầu là 10 ha) tại xóm Bản Phường, xã Thành Công.

Khu rừng trúc rộng 30 ha khiến nhiều du khách ngỡ ngàng như bước chân vào bối cảnh phim kiếm hiệp ngoài đời thực.
UBND huyện Nguyên Bình đã xây dựng quy chế khai thác trúc, vầu theo đúng quy trình, thời vụ. Đồng thời, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ vườn, đảm bảo vừa khai thác phát triển kinh tế, vừa phục vụ phát triển du lịch. Qua các cuộc tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, bà con trong xóm đồng tình, ủng hộ với chủ trương xây dựng vườn trúc thành điểm du lịch trải nghiệm.
Huyện đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục: hạ tầng đường bê tông dẫn vào vườn trúc, đường dạo trong vườn trúc, nhà đón tiếp, các chòi ngắm cảnh, điểm chụp hình, biển chỉ dẫn, biển hiệu. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng vật liệu hài hòa, thân thiện môi trường và phù hợp với khí hậu trong vùng.

Một góc check-in được nhiều du khách ưa thích.
Rừng trúc có nhiều góc check-in mới lạ cho những người yêu thích du lịch và đam mê chụp ảnh. Nhiều du khách nhận định, vẻ đẹp của rừng trúc nơi đây chỉ nhỏ hơn về quy mô so với rừng trúc Arashiyama nổi tiếng của Nhật Bản (rộng 16 km2) chứ không hề thua kém về vẻ đẹp cũng như mức độ hoang sơ.
Rừng thông bạt ngàn hơn 100 ha
Cùng với rừng trúc, rừng thông ở xã Thành Công nằm trong Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén với diện tích 102,8 ha được trồng từ năm 1976.

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, với những bãi đất bằng phẳng, rộng rãi là điểm thu hút du khách đến thăm quan, dã ngoại.

Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong chia sẻ về những dự định của huyện trong việc phát triển du lịch ở khu rừng thông với đoàn FAMTRIP của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam.
Không chỉ vậy, một số thành viên trong chuyến FAMTRIP cho Hội Du lịch Cộng đồng đã kết hợp cùng CLB Nhà báo Du lịch thực hiện với sự hỗ trợ của UBND huyện Nguyên Bình nhận định, với đặc trưng của giống thông 2 lá tại đây, cơ hội phát triển vùng nguyên liệu làm trà lá thông kim rất rộng mở.
Theo một cán bộ huyện Nguyên Bình, huyện đang xin chủ trưởng của tỉnh để phát triển du lịch trong rừng thông.
Đỉnh Phja Oắc thường xuyên xuất hiện băng tuyết
Đỉnh núi Phja Oắc cao 1.931m là một trong hai đỉnh núi cao nhất của tỉnh Cao Bằng, mùa hè khí hậu mát mẻ, mùa đông giá lạnh cộng với độ ẩm cao, vì thế nơi đây thường có băng tuyết vào mùa đông. Băng tuyết xuất hiện nhiều nhất vào đầu năm 2016 khi tất cả các đỉnh núi cao đều có băng tuyết, riêng đỉnh Phja Oắc, tuyết rơi dày tới 30 - 40cm.

Hòn đá mốc "Phja Oắc 1931 m" vừa được hoàn thành là vị trí được nhiều du khách chọn để chụp ảnh check - in.
Đỉnh Phia Oắc trước năm 2007 hầu như chưa có dấu chân người. Được biết đến là một trong những điểm đến tiềm năng trên tuyến du lịch khám phá Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, đến nay, Phja Oắc đã là một cái tên thường xuyên xuất hiện trong danh sách các điểm săn tuyết của nhiều du khách.

Cây cô đơn cùng với cột phát sóng của VOV cũng là một trong những vị trí được nhiều du khách tham quan Phja Oắc chọn làm điểm check-in, nhất là khi có băng giá.
Vừa qua, huyện Nguyên Bình đã đầu tư cải tạo, xây dựng điểm tham quan vọng cảnh trên đỉnh núi Phja Oắc với tổng kinh phí 2,091 tỷ đồng. Hiện nay đã hoàn thiện hòn đá mốc (đá tự nhiên) khắc chữ “Phja Oắc 1931m”; hoàn thành trồng mới cây cô đơn; đang hoàn thiện sàn ngắm cảnh, đường bậc lên xuống. Qua hơn một năm tập trung triển khai thực hiện, đến nay, các hạng mục đầu tư cơ bản đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.
Trong các ngày 7 - 9/5 vừa qua, Hội Du lịch Cộng đồng đã kết hợp cùng CLB Nhà báo Du lịch thực hiện chuyến FAMTRIP với sự hỗ trợ mạnh mẽ của UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tại huyện này.
Trong chuyến FAMTRIP, đoàn đã đến khảo sát tình hình phát triển triển du lịch cộng đồng tại xóm của người Dao Tiền tại thung lũng ruộng bậc thang Hoài Khao (xã Quang Thành), trải nghiệm cung đường núi săn mây từ xã Quang Thành sang xã Thành Công, tham quan nhà trình tường, rừng trúc sào và rừng thông ở xã Thành Công, khu nghỉ dưỡng Kolia và đỉnh Phja Oắc. Tại đây, đoàn khảo sát do ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng dẫn đầu đã chia sẻ và đóng góp các ý kiến về cách làm du lịch của các hộ dân nơi đây: từ việc phát triển cảnh quan, điểm tham quan, xây dựng tuyến đường tham quan đến ẩm thực và trình diễn văn nghệ truyền thống của người Dao Tiền...