Chân lý 'tiền trên trời rơi xuống là nguy hiểm nhất' từ câu chuyện bán khỉ

Từ câu chuyện bán khỉ dưới đây mới thấy, thành quả không bao giờ có được quá dễ dàng. Nếu "tự nhiên" được hưởng lộc, hưởng lợi - hãy cẩn thận.

Câu chuyện bán khỉ là gì?

Một ngày nọ, có người lái buôn lạ mặt đặt chân đến một ngôi làng - nơi có rất nhiều khỉ. Ông tuyên bố với dân làng rằng đang cần mua khỉ và sẽ mua với giá 100 đồng/con.

Dù nghi ngờ, song người làng vẫn thử vận may vì lượng khỉ nhiều, không tốn sức bắt nên giá 100 đồng lại khá hợp lý. Lúc nhận khỉ, người lái buôn trả cho dân làng đúng số tiền đã hứa. Việc nhẹ, thu nhập lại cao hẳn so với khi quần quật làm ruộng nên dân làng đổ nhau đi bắt khỉ cho lái buôn. Kết quả là hơn hai nghìn con khỉ về tay người lái buôn và chẳng còn mấy con ngoài tự nhiên.

Lúc này, mức giá được năng lên 200 đồng/con khỉ, rồi 300 đồng. Mỗi đợt tăng giá ghi nhận sự khan hiếm hơn của bầy khỉ quanh làng. Cuối cùng, người lái buôn "hét giá" 500 đồng/con, nhưng số khỉ gần như bằng 0 nên vẫn chưa ai bán được con khỉ nào với giá này.

Dù đã có trong tay hơn 3.000 con khỉ, người lái buôn nói ông vẫn cần thêm cả nghìn con nữa, đồng thời bày tỏ hy vọng trong thời gian ông trở lại thành phố, người làng có thể săn thêm khỉ để nhận mức giá 500 đồng kia.

Người lái buôn đưa ra mức giá 500 đồng/con khỉ khi số khỉ vô cùng khan hiếm, chẳng mấy ai bắt được. Ảnh: Syed Ahmad

Người lái buôn đưa ra mức giá 500 đồng/con khỉ khi số khỉ vô cùng khan hiếm, chẳng mấy ai bắt được. Ảnh: Syed Ahmad

Chuyện lạ là, sau khi ông ta rời đi thì một người thanh niên xuất hiện cùng một bầy khỉ, tự xưng là giúp việc người lái buôn. Anh nói: “Số khỉ này, tôi sẽ bán cho mọi người với giá 300 đồng/con. Khi chủ tôi quay lại, mọi người có thể bán cho ông ta với 500 đồng/con, như vậy mọi người sẽ được lời 200 đồng - mọi người vẫn có lời, vẫn dư sức làm giàu!".

Nghe vậy, hầu hết người dân trong làng làm mọi cách - từ gom cả gia tài đến vay nợ - chỉ để mua được càng nhiều khỉ càng tốt. Cho rằng cách mua đi bán lại này giúp họ giàu có quá dễ dàng, người dân đã cạnh tranh mua khỉ đến mức người có được nhiều khỉ thì hồ hởi, người không có thì khóc than.

Dĩ nhiên, sau khi gom được khối tiền từ người làng, thanh niên nọ bỏ đi và vị lái buôn cũng chẳng trở lại nữa. Với phi vụ này, người lái buôn sẽ được lời vì ông ta bỏ ra 100 - 300 đồng/con khỉ, phân phối cho 3.000 con khỉ. Như vậy phần đông số khỉ trong 3.000 con này có giá chỉ 100 - 200 đồng vì về sau, số khỉ được mua với giá 300 đồng khá ít (phần đông lượng khỉ được bán giá rẻ).

Ngược lại, người làng bỏ ra đồng giá 300 đồng mua mỗi con khỉ. Cùng số khỉ nhưng mức giá mỗi con khác nhau, như vậy tổng tiền người làng trao cho anh thanh niên cao hơn số tiền gã lái buôn phải chi.

Từ câu chuyện bán khỉ: Phải cẩn thận với những "món hời" quá dễ dàng có được

Muốn đạt được thành công về tài chính nói riêng hay trong cuộc sống nói chung, bao giờ cũng cần "mồ hôi xương máu". Từ những việc nhỏ nhặt, bình thường như đạt điểm cao, giảm cân, hoàn thành deadline... cũng cần nhiều công sức. Không có thứ vừa dễ, vừa nhanh mà lại cho ra thành quả tuyệt vời.

Ngoài ra xét trên địa hạt kinh doanh, câu chuyện bán khỉ cảnh báo thương nhân lẫn người tiêu dùng về lòng ham của rẻ. Về vấn đề này, tỷ phú Jack Ma cũng từng nói: "Những thứ miễn phí thì không bao giờ rẻ" - tức cái gì có vẻ là "cho không, biếu không" cũng sẽ lấy lại một thứ khác, dưới bất kể hình thức nào.

Ví dụ như, một ứng dụng cung cấp phiên bản miễn phí cho người dùng. Tuy nhiên, người dùng không thể sử dụng ứng dụng trọn vẹn, thoải mái vì liên tục xuất hiện quảng cáo đề nghị nâng cấp, giới hạn nhiều chức năng... nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa cái miễn phí và cái mất phí, vô hình thúc đẩy người dùng đăng kí phiên bản tốn phí. Như vậy, phiên bản miễn phí kia chỉ là bước đệm "câu" khách hàng chi tiền cho nhà cung cấp.

Con đường đến thành công thường không dễ dàng. Ảnh: Sharon McCutcheon

Con đường đến thành công thường không dễ dàng. Ảnh: Sharon McCutcheon

Một ví dụ vui khác là: Một người được mời đi ăn buffet nên đã cố nhịn đói từ hôm trước, nhằm "ăn thật khỏe" vào ngày hẹn. Vì ăn quá sức, anh gặp vấn đề tiêu hóa và cuối cùng phải tốn hàng triệu bạc chữa chạy.

Không chỉ có vậy, những món miễn phí, "mua ba tặng hai" hay có giá thấp bất thường thì khả năng cao là không đảm bảo về chất lượng. Thử hỏi nếu là bạn, bạn có sẵn sàng bán một bữa ăn được làm từ gạo 25 nghìn/kg, thịt bò nhập, rau củ hữu cơ... với giá mười mấy nghìn? "Tiền nào của nấy" không phải luôn chuẩn xác 100%, song cũng có cái lý của nó.

Tóm lại, câu chuyện bán khỉ vừa rồi muốn nhấn mạnh rằng: Đạt được thành công (trong trường hợp của người làng, thành công đồng nghĩa với "giàu có") đòi hỏi nhiều công sức, tâm tư. Từ đó suy rộng ra, không có cái gọi là "cho không biếu không" - một cơ hội, một món hời bỗng xuất hiện quá dễ dàng thì nên cẩn thận.

Bài liên quan