In hoa văn bằng sáp ong ở Hoài Khao: Nét đẹp văn hoá đến từ sự đoàn kết cộng đồng
Với những ống tre, ống giang, việc in hoa văn bằng sáp ong trên vải không chỉ là một nét đẹp văn hoá truyền thống mà còn ẩn chứa câu chuyện về sự đoàn kết cộng đồng hết sức đặc sắc của người dân Dao Tiền tại xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.
Xóm Hoài Khao thuộc xã Quang Thành, cách trị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình khoảng 20km và cách TP Cao Bằng khoảng 60km không chỉ thu hút du khách bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành mà còn bởi những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Dao Tiền vẫn còn được lưu giữ qua hàng trăm năm nay. Một trong số đó phải kể tới, đó là kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong khoái vô cùng độc đáo.

In hoa văn trên vải bằng sáp ong là một dịch vụ du lịch được nhiều du khách yêu thích khi tới xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình, Cao Bằng).
Du khách có thể bắt gặp kỹ thuật dùng sáp ong để vẽ hoa văn ở một số vùng khác nhưng câu chuyện về sự đoàn kết cộng đồng của người Dao Tiền tại xã Hoài Khao đằng sau đó đã khiến cho kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong nơi đây thêm phần đặc sắc và ấn tượng gấp bội phần.
Những đôi tay đậm chàm khéo léo
Nằm dưới chân núi Phja Oắc với độ cao trên 1.000 m, xóm Hoài Khao với 34 hộ dân vẫn giữ được phong tục truyền thống là sử dụng vải tự in những hoa văn để làm trang phục cho mình.
Những bé gái ở Hoài Khao, từ năm lên 12 tuổi, đã được dạy cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong để tự chuẩn bị trang phục cho mình. Và cứ thế, đến khi trưởng thành, mỗi người phụ nữ thường có từ 10 đến 20 bộ váy để mặc trong các ngày lễ lớn của dân tộc mình.

Sau khi sáp ong được nấu chảy đến độ vừa phải trong một chiếc đĩa sâu lòng, người phụ nữ Dao Tiền sẽ dùng khuôn làm từ phần cật của những thanh nứa, thanh giang nhúng vào rồi khéo léo in lên tấm vải.
Cũng bởi vậy mà những phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong. Và đôi bàn tay của người thợ làm vải nhuộm sáp ong rất dễ nhận ra bởi chàm như ăn sâu vào da, lặn trong cả những đường chỉ tay
Các hoa văn tròn được tạo ra từ các khuôn làm từ ống tre, ống giang đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5 - 2cm). Loại khuôn dùng in đoạn thẳng và góc cũng được vót bằng những cật nứa già, vót và chuốt thật nhẵn mịn, phơi khô. Tùy theo mẫu họa tiết định sẵn, mà các bà, các chị ở Hoài Khao dùng các dụng cụ khác nhau nhúng vào sáp ong rồi in lên mặt vải.
Bà Bàn Thị Liên người xóm Hoài Khao chia sẻ, xưa kia, phụ nữ nơi này còn tự mình dệt vải, nhưng việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nguyên liệu cũng không còn sẵn như xưa nên chủ yếu vẫn tập trung trao truyền kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Bà Liên bảo, sáp ong có nhiều loại, nhưng để in hoa văn trên trang phục váy áo của dân tộc Dao Tiền thì sáp ong Khoái là loại tốt nhất.
Sáp ong được cho vào một đĩa men sâu lòng, đặt trên than hoa vừa để sáp nóng chảy, vừa để giữ độ loãng cần thiết của sáp. Độ loãng được chính những người in cảm nhận sao cho vừa đủ để "ăn vải", nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ mất đi sự sắc nét.
Phải mất đến 6 tháng để có thể hoàn thành một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Tiền theo lối thủ công.

Để có thể hoàn thành một bộ trang phục truyền thống theo lối thủ công, người phụ nữ Dao Tiền phải mất tới nửa năm.
Tuy kỹ thuật chấm sáp ong trên vải không quá phức tạp, nhưng để có được độ sắc nét, không nhòe, đều mịn, người in vải lại phải có được sự kiên nhẫn cũng như hoa tay. Chính vì điều đó nên thường chỉ có phụ nữ Dao Tiền mới đảm nhận việc in vải sáp ong, còn đàn ông sẽ đóng vai trò chính trong việc thu hoạch sáp ong.
Khi in lên vải xong, chờ sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 15- 20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ. Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm.
Nét đẹp bắt nguồn từ sự đoàn kết cộng đồng
Ở xóm Hoài Khao có 2 điểm ong khoái về làm tổ là khu rừng Chán Vềnh và Tà Lạt. Những khu rừng này được người dân nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt, không cho phép ai được chặt cây, phá rừng, đuổi ong để lấy mật… Cũng nhờ đó mà những khu rừng nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ từ hàng trăm năm trước.

Những tổ ong khoái nằm cheo leo trên vách đá được những người người dân nơi đây bảo vệ nghiêm ngặt.
Đến mùa ong tự bỏ đi, cả làng mới chọn ngày đẹp, mời thầy làm lễ cúng thần rừng, thần ong xin phép được thu hoạch tổ ong để nấu sáp phục vụ nghề in hoa văn trên trang phục truyền thống.
Lễ cúng thần rừng, thần ong được tổ chức ở cả hai hang ong Chán Vềnh và Tà Lạc. Mâm lễ gồm có ba con gà luộc, ba chén rượu, thắp một bó hương, đốt một chút giấy tiền. Sau khi phần lễ được hoàn tất, những người trong nhóm thu hoạch tổ ong khoái (chủ yếu là nam giới) mới bắt đầu tiến hành khai thác.
Những tổ ong treo mình trên vách núi khá cao, để có thể lấy được người dân đã tự làm những chiếc thang từ cây tre, cột chắc chắn bằng dây thừng và dây rừng cùng một chiếc sào, ở đầu sào được gắn một con dao gỗ để chọc xác tổ ong.
Cả xóm sẽ chia ra làm nhiều tổ khác nhau, mỗi tổ đảm nhận một nhiệm vụ, được đổi luân phiên sau mỗi năm. Tổ lên rừng lấy củi, tổ thì nấu ăn, tổ lên rừng khai thác ong khoái, tổ khác sẽ nấu sáp ong...
Sau bữa cơm chung, bà con xóm Hoài Khao lại bắt tay vào công đoạn nấu sáp ong. Bên bếp lửa bập bùng, mọi người cùng nhau nhặt từng vỉa tổ ong Khoái cho vào 2 chảo trên bếp và đổ nước vào để nấu. Nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần khỏi vỉa tổ, hòa vào nước đang sôi, nhìn loang loáng như vết dầu loang trên mặt nước.

Sáp tổ ong khoái mang về được tách, bẻ nhỏ và được đun với nước trong một chảo gang to. (Ảnh: Du lịch Cao Bằng).
Gặp nước nóng, sáp ong tan chảy ra, nhưng vẫn còn sáp ong sót lại trong những vỉa tổ ong. Vì vậy, bà con đã chuẩn bị sẵn những cái giỏ đan bằng tre nứa đựng những vỉa tổ ong còn sáp ép lấy phần sáp ong còn lại. Sau khi ép sáp ong xuống chảo, bà con đổ nước lạnh để sáp ong kết tinh dần tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước. Tiếp tục dùng rổ vớt sáp ong nguyên chất, bóp cho ra hết nước còn lại rồi cho vào bao tải. Công việc được tiến hành liên tục, các tổ thay phiên nhau, mỗi người một việc, người đun lửa, người ép sáp ong.
Công đoạn cuối cùng là cô sáp ong thành khối nguyên chất. Lúc này, những vỉa sáp ong đã vớt lên một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất mới được cho vào chảo cô lại, đảm bảo tinh khiết để dùng dần.
Công việc nấu sáp ong không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi tinh thần nhẫn nại, đôi tay khéo léo và giàu kinh nghiệm. Kỹ thuật đun lửa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sáp ong, do vậy phải biết điều chỉnh lửa phù hợp, không để lửa cháy quá to hoặc quá nhỏ.
Khi những mẻ sáp ong đã được cô lại, phải để nguội mới lấy ra để chia đều cho các hộ gia đình trong xóm. Và truyền thống bảo vệ hang ong, khai thác, nấu và chia sáp ong cho các hộ được người dân Hoài Khao duy trì hàng trăm năm nay.
Ngày nay, nét đẹp truyền thống này đã trở thành một điểm nhấn văn hoá đặc sắc thu hút du khách tại Làng Du lịch Cộng đồng Hoài Khao và hang ong trở thành một điểm đến không thể thiếu trên cung đường núi săn mây từ xã Quang Thành sang xã Thành Công - nơi còn lưu giữ những ngôi nhà trình tường truyền thống của người Dao.