Những điểm yếu của du lịch Lai Châu và các đề xuất có giá trị

Tại buổi toạ đàm đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - TP. Lai Châu - Phong Thổ, các doanh nghiệp du lịch đề xuất địa phương cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cũng như tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021" tại Lai Châu diễn ra từ 24 đến 26/12, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VHTTDL Lai Châu tổ chức Tọa đàm đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - TP. Lai Châu - Phong Thổ.

Toàn cảnh buổi toạ đàm. (Ảnh: TITC).

Toàn cảnh buổi toạ đàm. (Ảnh: TITC).

Theo lời giới thiệu ở phần đầu buổi khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết, với những thế mạnh về văn hoá và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giai đoạn 2016-2020 du lịch tỉnh Lai Châu đưa vào khai thác 16 điểm du lịch; 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó có 128 cơ sở với 2.099 buồng/phòng); lượng khách năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18%/năm. Có thể khẳng định du lịch Lai Châu đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Và để du lịch phát triển mạnh hơn nữa, ông Hải cho hay tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch địa phương, tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch, cử cán bộ ngành du lịch đi học tập kinh nghiệm phát triển du lịch ở các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước.

Xác định rõ những hạn chế của du lịch, theo ông Hải, thời gian tới, Lai Châu sẽ tiếp tục cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.

"Và tỉnh rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch Lai Châu có thể đạt được mục tiêu tạo ra sản phẩm mới hội tụ đầy đủ các yếu tố “đặc thù, hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường” và đến năm 2030 đón trên 5 triệu lượt khách du lịch", Trung tâm Thông tin Du lịch dẫn chia sẻ từ ông Hải.

Tại toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Đạo Dũng cho biết, trong những năm qua, du lịch Lai Châu đã có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chủ yếu khai thác các sản phẩm du lịch dựa vào yếu tố tài nguyên, môi trường sinh thái sẵn có để phát triển du lịch, thiếu chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp nên hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch đem đến chưa tương xứng với tiềm năng.

Trên cơ sở đó, ông Dũng đề nghị đại biểu, doanh nghiệp du lịch tham dự tọa đàm đóng góp các ý kiến thiết thực để giúp địa phương khai thác và phát triển du lịch hiệu quả hơn, tương xứng với tiềm năng của địa phương trong thời gian tới.

Từ lời đề nghị của vị Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá, dù nằm giữa Lào Cai và Điện Biên là hai địa phương có ngành du lịch rất phát triển nhưng địa phương chưa tận dụng để thu hút được nhiều khách du lịch đến Lai Châu.

Theo nhiều đại biểu, để du lịch Lai Châu phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch các đại biểu, doanh nghiệp du lịch đề xuất địa phương cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng Lai Châu cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch thông qua chuyển đổi số; tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; định kỳ hàng năm tổ chức các đoàn Famtrip đến địa phương khảo sát sản phẩm, tuyên truyền quảng bá du lịch địa phương…

Cuối cùng, PGĐ Sở VH-TT&DL Lai Châu Trần Quang Kháng cám ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, doanh nghiệp. Trên cơ sở này, ngành du lịch Lai Châu sẽ chọn lọc, tiếp thu trình UBND tỉnh ban hành các chính sách cho du lịch Lai Châu phát triển mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Bài liên quan