Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra mắt sách "Người thầy" viết về nhân vật trứ danh của ngành tình báo
“Người Thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể về cuộc đời của vị tướng tình báo Đặng Trần Đức dưới góc nhìn của người học trò đã nhận được từ ông nhiều bài học quý giá về cách làm người, làm trò và sau cùng là học làm nghề.
Sáng 11/3, Buổi ra mắt sách “Người thầy” được NXB Quân đội Nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng gia đình tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Nhân vật trung tâm trong cuốn sách là ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức, một nhà tình báo xuất sắc, một cán bộ cách mạng tài năng, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên. Ông được mệnh danh là “con át chủ bài” của tình báo Việt Nam.

Tác phẩm Người thầy được tác giả ấp ủ và thực hiện trong hai mươi năm mới xuất bản, từng trang sách không chỉ là những câu chuyện mộc mạc dung dị về ông Ba Quốc mà còn là sự tri ơn, kính trọng sâu sắc của thiếu tướng Nguyễn Chí Vịnh dành cho người thầy lớn của đời mình. Hơn 20 năm sống gần gũi với ông Ba Quốc, tác giả không chỉ am hiểu công việc tình báo mà còn có mối liên hệ thầy trò mật thiết với nhân vật, đủ để ông viết và kể những điều thật hay, thật đặc biệt về vị tướng tình báo đặc biệt này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi giao lưu sách.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại : “Đối với chú Ba Quốc, một con người ở vị trí nào đi chăng nữa phải rèn luyện về đạo đức làm người, làm người tốt đi đã rồi hẵng làm những thứ khác. Một điều rất đời thường, ông dạy tôi là đã yêu cái gì thì yêu quyết liệt, yêu sống chết. Yêu Tổ quốc sẵn sàng hy sinh vì tình yêu ấy, yêu gia đình thì sống chết vì gia đình, yêu nghề nghiệp thì sống chết với nghề. Đấy là điều thể hiện liên tục trong hàng chục năm tôi ở gần ông Ba Quốc, tôi hiểu điều đó. Cho nên khi về hưu, chúng tôi lo ông buồn thì ông bảo có gì đâu mà buồn, tôi sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn”.

Về những chiến công của ông trong 20 năm hoạt động phản gián giai đoạn trước năm 1975, bạn đọc đã ít nhiều biết đến qua hai bộ tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" của Nguyễn Trần Thiết và "Tình báo không phải nghề của tôi" của Khuất Quang Thụy.
Người thầy không chỉ kể về những đóng góp quan trọng của ông Ba Quốc đối với ngành Tình báo quốc phòng mà còn nói về sự mất mát, hy sinh thầm lặng của cá nhân ông và gia đình, người thân. Họ đã vượt lên tất cả, chấp nhận hy sinh về vật chất cũng như tinh thần để ông Ba Quốc yên tâm thực hiện lý tưởng, phụng sự đất nước, nhân dân.
Dưới góc nhìn của tác giả, Thiếu tướng Đặng Trần Đức là một người sẵn sàng hy sinh vì đất nước, hết mình vì nhiệm vụ, nghiêm khắc về công việc nhưng cũng rất nhiệt tình, quan tâm sâu sát đối với thế hệ trẻ. Với tấm lòng kính trọng, cảm phục về người thầy của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã truyền lửa cho đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ tại TP.HCM về tình yêu, lý tưởng cách mạng của Thiếu tướng Đặng Trần Đức, về niềm tin đối với thế hệ trẻ của lớp người đi trước.
Với dung lượng dày 500 trang, bố cục 7 chương theo phong cách hiện đại, là truyện nhưng phi hư cấu, vừa giống thể tài hồi ức nhưng cũng mang phong cách tiểu thuyết chương hồi. Người thầy đã khắc họa chân thực hình ảnh Thiếu tướng Ðặng Trần Ðức và những đóng góp quan trọng của ông đối với ngành tình báo quốc phòng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi ra mắt sách Người thầy, Tiến sĩ Lê Kiên Thành chia sẻ: “Nghề tình báo phải nói đến sự chịu đựng, chịu đựng vô bờ bến. Tôi từng nghe câu chuyện người tình báo bị nhốt 1.000 ngày dưới hầm phân. Để sống được, mỗi ngày ông nghĩ ra một câu thơ, một bài thơ 1.000 ngày, nó ghê gớm đến như thế. Bên cạnh những người anh hùng được tri ân còn có một loạt ngôi sao không có tên, đó là những người không bao giờ xuất hiện, họ hy sinh mà người ta không biết. Cho nên đọc cuốn sách này, tuổi trẻ phải cảm nhận, phải hiểu điều đó chứ không phải là vinh quang của người tình báo. Hy sinh vì lý tưởng, như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, suy cho cùng, lý tưởng đó là lợi ích của dân tộc, Quốc gia”.