Thứ tư, 29/12/2021, 10:08 AM
  • Click để copy

Du lịch Việt Nam đã ứng phó với tác động của Covid-19 như thế nào?

Trước các tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho hoạt động du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã ứng phó như thế nào?

Chủ đề: Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển

Lời toà soạn: Hội thảo Du lịch Việt Nam 2021 vừa kết thúc được coi là một sự kiện lớn của ngành du lịch nước nhà, với nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu Covid”.

Diễn ra trong 1 ngày, bên cạnh những ý kiến trao đổi, tham luận tại Hội thảo, còn có nhiều kiến giải, góc nhìn có giá trị được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch gửi tới.

Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả chuyên đề "Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển" là tập hợp các phát biểu, tham luận, bài viết trong tài liệu hội thảo do ban biên tập nội dung của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Dưới đây là phần đầu của bài "DU LỊCH VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19" của ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nội dung liên quan đến "Tác động của đại dịch COVID-19 đến du lịch và các cơ chế, chính sách ứng phó với tác động":

DU LỊCH VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

Tác giả: Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc, giai đoạn 2015-2019 đạt tăng trưởng trung bình 22,7%/năm, năm 2019 đóng góp trên 9,2% vào GDP, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động và hiện tại đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Tuấn Nam).

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Tuấn Nam).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đề cập đến các nội dung chính sau để Hội thảo trao đổi, thảo luận: 1) Tác động của đại dịch COVID-19 đến du lịch và các cơ chế, chính sách ứng phó với tác động; 2) Xu hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

I. TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN DU LỊCH VÀ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ỨNG PHÓ VỚI TÁC ĐỘNG

1. Tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động du lịch

Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm kinh tế thế giới giảm sút nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến ngành du lịch gần như cùng lúc và ngày càng gia tăng, đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Năm 2019, lượng khách du lịch đạt gần 1,5 tỷ lượt, du lịch đã đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào tổng GDP toàn cầu; nhưng sang năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 73,9% so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm (theo báo cáo của UNWTO - Tổ chức Du lịch thế giới).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) dự đoán rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành phục hồi sau cùng sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều hạn chế du lịch quốc tế để bảo đảm sự an toàn sức khỏe cho người dân; hoạt động du lịch hầu như đang trong quá trình phục hồi.

Đại dịch COVID-19 có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,91% (năm 2019 đạt mức 7%), năm 2021 dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 2%.

Theo báo cáo tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng (các khối ngành dệt may, xây dựng, một số ngành dịch vụ được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh, nhiều).

Chỉ riêng khối ngành dịch vụ, có 5/7 ngành dịch vụ chịu tác động tiêu cực lớn nhất, trong đó có du lịch. Tính đến hết Quý III/2021, ngành du lịch chỉ đóng góp 2,57% GDP trong tổng tỷ trọng 40,19% GDP của khối ngành dịch vụ.

Theo dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể sẽ đạt 4 - 4,5% nhưng đồng thời lạm phát cũng sẽ tăng 3,4-3,7% (từ mức 2% năm 2021). Các cơ hội mới được đặt ra cho một số lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, kinh doanh trực tuyến... nhưng du lịch sẽ là một trong những ngành phục hồi sau cùng.

Đối với du lịch Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, từ cuối tháng 3, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59% so với năm 2019, đạt 312.200 tỷ đồng.

Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,25 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 138.150 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng.

Có thể nói, tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90 - 95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động (trừ một số rất ít doanh nghiệp tổ chức tour nội tỉnh). Các doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự.

Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70 - 80% so với năm 2019. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Do không có khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều bị thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn.

Tại nhiều địa phương, du lịch không còn vai trò là đông lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề khác như sản xuất nông nghiệp (thực phẩm, đặc sản...), nghề thủ công (sản xuất quà lưu niệm), giao thông...; những sản phẩm du lịch trước đây đã có thương hiệu, sức cạnh tranh cao nay cũng suy giảm nhiều về hình ảnh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả đầu tư.

Mặc dù năm 2021 là năm thứ 2 chịu tác động ảnh hưởng của dịch COVID- 19, tức là có dự báo trước được diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khó khăn của hoạt động du lịch nhưng thiệt hại vẫn khá nặng nề, nhất là các tỉnh/thành là địa bàn du lịch trọng điểm.

Theo báo cáo thống kê sơ bộ, cả nước không có khách quốc tế đến giữa tháng 11/2021; tại Hà Nội, lượng khách nội địa giảm 47% so với cùng kỳ 2020; Thừa Thiên - Huế: lượng khách giảm 60%; Đà Nẵng: lượng khách giảm 60%; Quảng Ninh: lượng khách giảm 37%; Ninh Bình: lượng khách giảm 49,5%... Ước tính thiệt hại từ du lịch năm 2021 tại các địa bàn: Quảng Nam thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng; Đà Nẵng thiệt hại khoảng 27.300 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng; Quảng Ninh thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng...

Dưới góc nhìn khác, thời gian hoạt động du lịch tạm trầm lắng do tác động của dịch COVID-19 vừa qua cũng tạo ra một số ảnh hưởng tích cực.

Trước hết là nhận thức về vai trò của du lịch đối với hoạt động kinh tế, xã hội. Khi hoạt động du lịch trầm lắng, không có khách du lịch, nhiều địa phương nhận thấy rõ hiệu ứng tác động của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Vai trò của công nghệ hiện đại “không tiếp xúc”, “không chạm”, chuyển đổi số được khẳng định.

Một số chủ cơ sở lưu trú du lịch tranh thủ thời gian ngừng hoạt động để chỉnh trang, đầu tư cơ sở vật chất mới để sẵn sàng cung cấp dịch vụ được nâng cấp.

Một số điểm đến du lịch mới, sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh được hình thành và có cơ hội thu hút khách du lịch trong bối cảnh mới...

Tuy nhiên, các tác động tích cực này không thể bù đắp được các tác động tiêu cực mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho hoạt động du lịch.

2. Ngành du lịch ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19

2.1. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến sự phát triển dưới nhiều góc độ, ngành du lịch đã nhanh chóng tổng hợp tình hình, báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để phục hồi.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 tại phiên họp tháng 6/2021, ban hành Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có những chỉ đạo trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch. Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết cho phép triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có những nội dung trực tiếp với lĩnh vực du lịch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động chỉ đạo các địa phương quán triệt biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bệnh. Các địa phương, doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo trách nhiệm được giao.

Tổng cục Du lịch đã xây dựng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 (tại website https://safe.tourism.com.vn). Tính đến giữa tháng 12 năm 2021, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trên 15 nghìn đơn vị đăng ký tự đánh giá trên hệ thống, trong đó có trên 13.600 trong tổng số 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, gần 1.100 doanh nghiệp lữ hành và trên 600 khu, điểm du lịch, nhà hàng, cơ sở mua sắm trên toàn quốc.

Về chính sách hỗ trợ, đến nay, các doanh nghiệp, người lao động đã được hưởng các chính sách sau:

* Chính sách hỗ trợ chung

+ Chính sách về thuế, phí

- Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ). Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2021.

- Giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 (Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 về việc giảm tiền thuê đất năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).

- Giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 (Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).

- Giảm 30% mức thuế suất thuế VAT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ: (i) dịch vụ vận tải, (ii) dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch... theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

- Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 (Công văn số 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19). Thời hạn đến hết ngày 31/12/2021.

- Các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ).

+ Chính sách về tín dụng

- Miễn, giảm lãi vay đến hết tháng 6 năm 2022 (Thông tư số 03/2021/TT- NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 áp dụng đến hết ngày 31/12/2021. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 về việc thực hiện miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện đến hết tháng 6/2022).

+ Chính sách an sinh xã hội

- Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021. Ngày 08/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19). Doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ như sau:

+ Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

+ Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mức hỗ trợ: 1.500.000đ/ người/tháng, hỗ trợ tối đa 6 tháng.

+ Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Mức hỗ trợ: 1.855.000đ/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng và 3.710.000đ/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày trở lên.

+ Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

+ Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.

- Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

* Chính sách hỗ trợ riêng cho ngành Du lịch

- Giảm giá bán điện cho CSLTDL từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất (Nghị quyết số 5 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 của Chính phủ). Thời gian hỗ trợ 07 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến tháng 12/2021.

- Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành (Thông tư số 35/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 và Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính, kéo dài đến hết năm 2021 theo quy định Thông tư số 47/TT-BTC ngày 24/6/2021).

- Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023 (Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành).

+ Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch. Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người. Đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền đã hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trên cả nước là trên 55 tỷ đồng.

Bên cạnh các chính sách của Trung ương, nhiều địa phương cũng đã quan tâm hỗ trợ du lịch vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Những địa phương là trọng điểm du lịch như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lâm Đồng... đã miễn, giảm phí tham quan đối với các điểm đến du lịch, một số địa phương khác ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ trên địa bàn như giảm tiền thuê đất, lùi thời gian trả nợ vốn vay, cho vay trả lương người lao động hoặc hỗ trợ tổ chức các sự kiện kích cầu du lịch, tổ chức các tour du lịch nội tỉnh...

Đánh giá tác động của chính sách:

Các chính sách trên sớm được ban hành đã hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, người lao động du lịch sớm vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, được cộng đồng du lịch Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến ngành du lịch. Các hỗ trợ này phần nào giúp cho đội ngũ ngành du lịch đỡ tan rã, mất mát khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch.

Nhiều chính sách như giảm giá điện, tiền thuê đất... đã được kiến nghị từ nhiều năm nay nhưng đến thời điểm này lần đầu tiên được chấp thuận; việc giảm tiền ký quỹ, phí thẩm định cấp phép, hỗ trợ tiền mất việc làm... đã trực tiếp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, người lao động khi không còn nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, có một số chính sách như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... không tạo ra tác động tích cực do doanh nghiệp du lịch không có doanh thu, hoạt động du lịch bị dừng ngay khi dịch bệnh xuất hiện.

2.2. Một số nhiệm vụ trọng tâm ngành du lịch triển khai để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 07/9/2021 triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.

Để thực hiện chương trình phục hồi, phát triển du lịch tại Kế hoạch này, các vấn đề cần quan tâm gồm: (1) Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch: tập trung tổ chức triển khai hiệu quả các Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL và số 4122/HD-BVHTTDL; triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để bảo đảm du lịch an toàn tại các 6 điểm đến ;

(2) Tăng cường hoạt động truyền thông và triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa “Du lịch an toàn”, sau đó là “Du lịch an toàn, hấp dẫn” kênh truyền thông quốc tế...; (3) Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường: quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045, triển khai phát triển sản phẩm du lịch đêm, các loại hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới tại một số địa phương; (4) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch: xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025, nền tảng số kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi: tiếp tục rà soát, kiến nghị các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện trong quá trình phục hồi và kích cầu du lịch; (6) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch: hướng dẫn, hỗ trợ triển khai chương trình bồi dưỡng nhân lực về du lịch và dịch vụ liên quan, về xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số du lịch.

Bước đầu triển khai Kế hoạch này, Hội nghị trực tuyến với các địa phương trọng điểm du lịch của cả nước (25 tỉnh/thành phố) đã được tổ chức ngày 05/10/2021 để phổ biến, quán triệt các nội dung, phát động chiến dịch tái khởi động du lịch với các nội dung: đảm bảo an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp, liên kết kích cầu du lịch... Lộ trình thực hiện chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022) để từng bước mở cửa, phục hồi và ổn định; giai đoạn 2 (từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài sang năm 2023) để tập trung thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế cũng được khẩn trương thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận 07/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 11/6/2021. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc hướng dẫn tạm thời thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế tại văn bản thông báo số 8044/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 4122/HD- BVHTTDL về tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Từ giữa tháng 11/2021, du lịch Việt Nam bắt đầu có hoạt động đón khách quốc tế theo các chuyến bay thuê chuyến (charter) đến một số địa phương đáp ứng các yêu cầu của chương trình thí điểm. Hoạt động thí điểm này bước đầu được các doanh nghiệp du lịch và các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, du khách quốc tế đánh giá cao và tạo ra hiệu quả truyền thông tốt cho Việt Nam thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng đồng thời với việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo ngành Du lịch tích cực triển khai các nhiệm vụ quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2026 trình Thủ tướng Chính phủ, chủ động phê duyệt chương trình hành động phát triển du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nhiệm vụ trọng tâm khác mang tính định hướng lâu dài, phù hợp với tình hình mới nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, khống chế.

(còn nữa)

* Tiêu đề bài viết do Travelmag đặt.

Bài liên quan
Các địa điểm được du khách Việt yêu thích nhất cho mùa lễ hội năm 2022
Các địa điểm được du khách Việt yêu thích nhất cho mùa lễ hội năm 2022
07/12/2022 Thống kê

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại đầy hứa hẹn của những chuyến chu du dành cho những trái tim ưa xê dịch và đã sẵn sàng bước ra ngoài thế giới, tận hưởng tất cả những điều tuyệt vời nhất của mùa lễ hội năm nay.

Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch hậu Covid-19
Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch hậu Covid-19
03/04/2022 Thống kê

Trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Khắc phục khó khăn của ngành du lịch do Covid-19 nhìn từ góc độ kế hoạch - đầu tư
Khắc phục khó khăn của ngành du lịch do Covid-19 nhìn từ góc độ kế hoạch - đầu tư
11/01/2022 Thống kê

Theo thống kê, trong năm 2020 - 2021, có đến 95% doanh nghiệp lữ hành phải ngừng hoạt động. Nhiều cơ sở lưu trú cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với số lượng lên tới 80 - 90%.

Du lịch TP. HCM: Phát triển thêm nhiều sản phẩm mới
Du lịch TP. HCM: Phát triển thêm nhiều sản phẩm mới
06/01/2022 Thống kê

Bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch hiện có, trong thời gian qua, TP. HCM đã tập trung phát triển thêm các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái và đường thủy, du lịch MICE, du lịch y tế...

Bí quyết thu hút doanh nghiệp du lịch của Hà Nội
Bí quyết thu hút doanh nghiệp du lịch của Hà Nội
05/01/2022 Thống kê

Theo bà Đặng Hương Giang - GĐ Sở Du lịch TP. Hà Nội, thành phố đã tập trung đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng bằng việc cung cấp “đất sạch” đủ và kịp tiến độ triển khai...

Du lịch nội địa giữ vai trò chủ đạo trong năm 2022
Du lịch nội địa giữ vai trò chủ đạo trong năm 2022
25/12/2021 Thống kê

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về những tín hiệu phục hồi và định hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Hà Nội cùng các địa phương tạo hành lang du lịch an toàn
Hà Nội cùng các địa phương tạo hành lang du lịch an toàn
18/12/2021 Thống kê

Đánh giá năm 2022 vẫn là năm đầy thử thách đối với ngành du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng cần phát huy vai trò đòn bẩy ở một số trung tâm du lịch lớn và đề nghị TP. Hà Nội cùng các địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể về việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

8 nhóm giải pháp chính để thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch
8 nhóm giải pháp chính để thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch
12/12/2021 Thống kê

Tại diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần III, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đã đề nghị cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính để thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Du lịch vùng dân tộc thiểu số – cần thêm những 'cú hích'
Du lịch vùng dân tộc thiểu số – cần thêm những 'cú hích'
06/12/2021 Thống kê

Giải bài toán phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số Quảng Ninh cần có thêm trợ lực khi khởi động trở lại, nhất là sau tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua.

Du lịch đã 'chạm đáy' và mong muốn phục hồi, phát triển
Du lịch đã 'chạm đáy' và mong muốn phục hồi, phát triển
14/10/2021 Thống kê

"Du lịch đã chạm đáy" là một phiên trong buổi toạ đàm trực tuyến phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới vừa được tổ chức sáng nay, 14/10.

Du lịch Hoà Bình: Thực thi pháp luật môi trường để phát triển bền vững
Du lịch Hoà Bình: Thực thi pháp luật môi trường để phát triển bền vững
03/10/2021 Thống kê

Theo tác giả Nguyễn Hùng Sơn, việc thực thi pháp luật môi trường trong du lịch Hoà Bình đã được quan tâm thực hiện nhưng những hạn chế vẫn tồn tại trong lĩnh vực này cần được nhìn nhận, đánh giá.

'Ranh giới' - phóng sự đặc biệt của VTV chiếm trend từ tối 8/9
'Ranh giới' - phóng sự đặc biệt của VTV chiếm trend từ tối 8/9
09/09/2021 Thống kê

'Ranh giới' - phóng sự đặc biệt của VTV chiếm trend: Từ tối 8/9 nhiều người xem VTV và Youtube đã bày tỏ nỗi xúc động sâu sắc về phóng sự này.

Xu hướng du lịch 2021: Gọi tên những loại hình du lịch nào?
Xu hướng du lịch 2021: Gọi tên những loại hình du lịch nào?
27/08/2021 Thống kê

Xu hướng du lịch 2021 (travel trends for 2021) được các bên nghiên cứu đưa ra với kỳ vọng sẽ góp phần vào sự hồi phục hoạt động du lịch.

Rượu bia là nguyên nhân gây 7 loại ung thư, theo các nhà nghiên cứu
Rượu bia là nguyên nhân gây 7 loại ung thư, theo các nhà nghiên cứu
20/07/2021 Thống kê

Rượu bia là nguyên nhân gây 7 loại ung thư, khi có hơn 740,000 ca bệnh ung thư trên thế giới có liên quan đến thói quen sử dụng bia rượu.

Cuộc dọn dẹp rác thải nhựa lớn nhất trong lịch sử
Cuộc dọn dẹp rác thải nhựa lớn nhất trong lịch sử
08/07/2021 Thống kê

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày một nghiêm trọng, mỗi năm hàng triệu tấn nhựa tràn vào các đại dương. Đã đến lúc con người phải chung tay đứng lên hành động dọn dẹp sự ô nhiễm môi trường. Hãy cùng TravelMag đi tìm hiểu về cuộc dọn dẹp lớn nhất lịch sử.

Du lịch tỉnh Ninh Thuận cần phát triển các hoạt động bổ trợ nào? (1)
Du lịch tỉnh Ninh Thuận cần phát triển các hoạt động bổ trợ nào? (1)
28/06/2021 Thống kê

Thể thao biển và thể thao mạo hiểm, các giải chạy Marathon, trekking... là những hoạt động bổ trợ cho du lịch tỉnh Ninh Thuận thêm đặc sắc.

Chiến lược phát triển toàn diện cho du lịch tỉnh Ninh Thuận (4)
Chiến lược phát triển toàn diện cho du lịch tỉnh Ninh Thuận (4)
27/06/2021 Thống kê

Phát triển du lịch trải nghiệm ở du lịch tỉnh Ninh Thuận góp phần đưa tỉnh hướng đến mục tiêu ban đầu: Biến Ninh Thuận thành trái tim của tứ giác du lịch.

Khách Hàn Quốc - thị trường nguồn quan trọng cho du lịch tỉnh Ninh Thuận
Khách Hàn Quốc - thị trường nguồn quan trọng cho du lịch tỉnh Ninh Thuận
24/06/2021 Thống kê

Khách du lịch Hàn Quốc là đối tượng khách hàng thuộc nhóm tiềm năng cho du lịch tỉnh Ninh Thuận, sau khách du lịch Trung Quốc.